Ứng xử khôn ngoan khi bạn đời ngoại tình

Trong cuộc sống hôn nhân, không phải ai cũng có một cuộc sống gia đình êm ấm. Đôi khi sẽ có những cơn sóng lăn tăn làm cho gia đình bạn xuất hiện những điều phiền lòng.

Người ta thường nói “giận quá mất khôn”, nhiều người khi phát hiện vợ/chồng mình có bồ thì chửi rủa, nhiếc móc, đánh ghen hay buông xuôi… mà không biết rằng những cách đó chỉ càng đẩy bạn đời ra xa. Lúc bình tĩnh lại họ mới thấy hối hận, nuối tiếc nhưng sự đã rồi không thể cứu vãn.

Nhiều chuyên gia khuyên trong tình huống này phải xử lý khéo để kéo người bạn đời về phía mình, trong ấm ngoài êm chứ không phải nhảy dựng lên để làng nước, họ tộc biết hay sử dụng trò đánh ghen kiểu giang hồ…

Hãy tham khảo một vài cách ứng xử gia đình mà các chuyên gia dành cho bạn:

– Bình tĩnh xem xét: Bạn nghe thông tin đó từ ai (từ điện thoại, cách thể hiện của chồng hay từ người thứ ba chọc ngoáy…). Đừng nghe người khác nói mà vội quy kết cho bạn đời. Đừng để nóng giận làm bạn mất khôn.

– Thẩm định lại vấn đề: Khi biết rõ vợ/chồng ngoại tình, tự mình nên thẩm định lại xem thông tin đó thế nào, mức độ nghiêm trọng đến đâu. Đồng thời thu thập những chứng cứ xác thực.
Thu thập chứng cứ bạn đời ngoại tình là việc nên làm. “Nói có sách, mách có chứng” để đối phương không thể chối cãi, ưu thế thuộc về bạn khi đàm phán. Hoặc nếu sự việc quá nghiêm trọng đến mức ly hôn thì đây sẽ là chứng cứ có lợi cho bạn.

– Bắt đầu đánh giá xem người thứ ba xuất hiện với tư cách gì, là người bạn, đồng nghiệp hay người tình chen vào phá hoại hạnh phúc gia đình bạn.

– Sau đó căn cứ vào mối quan hệ của vợ/chồng với gia đình, ví dụ họ vẫn quan tâm, hay họ đã sao nhãng, không quan tâm gia đình, cáu gắt bạn đời… Từ đó mới đi đến kết luận người thứ ba là kẻ phá đám hay chỉ là người làm phong phú thêm đời sống gia đình. Kết luận nguy cơ.

– Khi có đầy đủ những thông tin cho thấy người vợ/chồng ngoại tình thì nên xem xét lại bản thân mình. Các cụ thường dạy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, bạn hãy xem cách hành xử của mình có làm cho đối phương mệt mỏi, chán chường, đời sống vợ chồng có gì thiếu sót, bạn sai ở đâu. Học cách làm mới mình, thay đổi mình cho phù hợp, xây dựng lại hình ảnh. Nếu bạn không có vấn đề gì lớn đáng chê trách thì lúc này mới có thể kết luận vợ/chồng mình là người không đứng đắn.

– Sau đó nên nói chuyện với người bạn đời của mình trước khi đi nói chuyện với người thứ ba. Đây không phải là cuộc nói chuyện thông thường mà là đàm phán, bạn cần có kỹ năng. Đầu tiên bạn phải xác định rõ mình không phải là người bị cắm sừng, người kia là kẻ cắm sừng mà hãy đứng từ phía tôi là một người nam/nữ, là bố/mẹ để nói chuyện. Cuộc đàm phán thuyết phục là làm đối phương thừa nhận những chứng cớ bạn đưa ra. Cái quan trọng nhất trong cuộc đàm phán là đặt trọng trách, trách nhiệm lên đối phương: Anh/chị chọn gia đình hay người kia…

– Khi biết được tâm ý của vợ/chồng mình thì lúc này mới đi gặp người thứ ba. Hãy chọn địa điểm, trang phục, lời ăn tiếng nói lịch sự. Bắt đầu cuộc đàm phán thẳng thắn, tạo áp lực lên người kia, để họ nhận ra đang là kẻ phá hoại gia đình người khác. Tuyệt đối không nổi nóng, dùng những biện pháp đánh ghen thiếu khôn ngoan.

– Trong bất kỳ tình huống nào bạn cũng nên nhớ đặt hạnh phúc gia đình, con cái lên trên, cố gắng lôi kéo vợ/chồng mình về với gia đình, vì đôi khi đó chỉ là sự “nông nổi” nhất thời của người bạn đời và là sự nóng giận một lúc không thể kiềm chế của bạn, hãy là người biết tha thứ để cuộc sống của bạn hạnh phúc và bình yên hơn, đừng vì nóng vội mà đánh mất hạnh phúc mà mình đã kỳ công gầy dựng.

Có thể nói, xây dựng một tổ ấm là cả một vấn đề, để gìn giữ tổ ấm lại càng khó khăn hơn. Trong mọi hoàn cảnh, bạn hãy thật bình tĩnh để có những cách ứng xử khôn khéo và không đánh mất đi hạnh phúc của gia đình.

Sưu tầm: www.kynang.edu.vn

 Xem thêm:

Những cách thể hiện tình yêu của người đàn ông với vợ

–  Người chồng mong muốn những điều gì

Quan điểm người đàn bà khôn ngoan