Khám và nâng cấp sức khỏe doanh nghiệp

Khủng hoảng tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, thị trường, hợp đồng, doanh số, sức mua, lợi nhuận… tất cả đều sụt giảm. Muốn đương đầu với những thách thức đó, doanh nghiệp phải có sức khỏe.

Khủng hoảng tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, thị trường, hợp đồng, doanh số, sức mua, lợi nhuận… tất cả đều sụt giảm. Muốn đương đầu với những thách thức đó, doanh nghiệp phải có sức khỏe.
Tuy nhiên, tâm lý thông thường của người quản lý, tự cho rằng mình nắm chắc mọi vấn đề của doanh nghiệp mình. Chưa kể có nhiều người cũng “ngại” khám kỹ quá sẽ bộc lộ nhiều điều bất lợi cho cá nhân mình.

=> Cuộc Sống Đúng Nghĩa xin giới thiệu chương trình đào tạo xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Nhưng việc chẩn đoán và nâng cấp sức khỏe doanh nghiệp được ví như chuyện chăm sóc sức khỏe con người. Phải kiểm tra định kỳ hàng năm, nhằm kịp thời phát hiện ra bệnh để điều trị, thoát hiểm, bằng cách tái cấu trúc, định hướng lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Và khủng hoảng là cơ hội để doanh nghiệp lợi dụng, tranh thủ thời gian, tĩnh tâm nhìn lại chính mình, tư duy lại nhằm đối đầu và tiếp tục đi vào thời kỳ phát triển sau suy thoái.

tuyet-chieu-cuop-khach-hang-cua-doi-thu-2
 

Sức khỏe doanh nghiệp (Hình minh họa) 

Những lý do phải khám sức khỏe cho doanh nghiệp

  • Lý do đơn giản và hiển nhiên là việc khảo sát, đánh giá toàn diện sẽ cho thấy tình hình tổng thể của doanh nghiệp một cách toàn diện. Nó giúp người chủ, người quản lý hiểu rõ hơn về doanh nghiệp của mình, tận trong lục phủ ngũ tạng. Nó không chỉ cho thấy kết quả hoạt động, mà còn cho thấy điểm mạnh, điểm yếu trong từng mặt hoạt động, từng phòng ban, đặc biệt là vẽ ra được bức tranh về thực trạng của hệ thống quản lý.
  • Trong bối cảnh cạnh tranh và những thay đổi đang diễn ra nhanh chóng ở mọi nơi, mọi mặt, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng nhanh để khai thác thời cơ, để vượt qua thách thức, không tránh khỏi có sự xộc xệch ở một vài chỗ. Khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp doanh nghiệp thấy được các vấn đề tiềm ẩn hạn chế hiệu quả hoạt động của mình, cũng như các nguy cơ có thể đến trong tương lai để mà khắc phục.
  • Ngoài ra, khám sức khỏe còn có lợi ích như: cơ hội để cải tiến hiệu quả hoạt động. Một khi đã phát hiện ra những tồn tại và yếu kém, doanh nghiệp dễ tìm ra và thực thi các biện pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh…
  • Chưa kể nếu như người quản lý thực sự cảm thấy doanh nghiệp của mình có điều bất ổn, dự định bắt tay vào một dự án cải tiến, thì một cuộc khám sức khỏe và chẩn đoán toàn diện sẽ giúp cho cách đặt vấn đề và tìm ra giải pháp hiệu quả hơn. Có khá nhiều doanh nghiệp đã điều trị không thành công chỉ vì bệnh đằng đông lại chữa đằng tây, hoặc chỉ nhằm điều trị triệu chứng chứ không dứt căn của bệnh.

Khám sức khỏe cho doanh nghiệp bằng cách nào?

Ngoài những cuộc tổng kết theo định kỳ như đã đề cập ở đầu bài viết, những công cụ đang được sử dụng phổ biến hiện nay gồm có kiểm toán (thuê ngoài hay nội bộ), đánh giá nội bộ, đánh giá bên ngoài theo tiêu chuẩn ISO. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các hình thức khám sức khỏe doanh nghiệp loại này vẫn chưa phát huy đầy đủ tác dụng.

Có nhiều hình thức thăm khám khác, mà việc đánh giá để trao giải thưởng chất lượng Việt Nam là một ví dụ. Tuy nhiên, điều quan trọng là bản thân cuộc thăm khám cũng phải được lên kế hoạch kỹ lưỡng, có phương pháp thu thập thông tin (để đánh giá) phù hợp; và phải có cơ sở lý thuyết và thực tiễn mạnh để có thể tổng hợp vấn đề và chỉ ra căn nguyên của các vấn đề đang tồn tại của doanh nghiệp.

Chẩn đoán thường xuyên, và cải tiến kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ và vững chắc, tránh được các vấn đề bộc phát làm suy giảm sức mạnh của mình.

Nâng cấp sức khỏe doanh nghiệp

Sau khi thăm khám bệnh xong, dĩ nhiên là phải điều trị, cải thiện để doanh nghiệp bình phục và phát triển. Sau đây là một số chia sẻ về việc cải thiện, nâng cấp sức khỏe của một số doanh nghiệp.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kềm Nghĩa, ông Đỗ Hòa, cho biết công ty ông đang trong quá trình nâng cấp sức khỏe bằng cách tái cấu trúc doanh nghiệp, với mục tiêu chuyển từ một con thuyền lúc nào cũng phải cầm lái mới chạy đúng hướng, sang mô hình chạy tự động 95% và chỉ điều khiển bằng tay khi tàu ra vào cảng, hay gặp giông bão.

Ông Đỗ Hòa chia sẻ kinh nghiệm, khi mới về làm việc cho Kềm Nghĩa, điều đầu tiên là bắt mạch xem chủ doanh nghiệp muốn gì, quan tâm gì, lo cái gì. Sau đó thực hiện “khám tổng quát” công ty, đánh giá lại hệ thống hoạt động kinh doanh, hệ thống quản trị, cơ chế điều hành, tìm ra đâu là điểm mạnh, điểm yếu, thị trường có cơ hội phát triển hay đang bị ách tắc. Sau đó kiểm tra nguồn tài chính, năng lực của đội ngũ nhân viên…

Ông Đỗ Hòa kể lại quá trình nâng cấp sức khỏe cho Kềm Nghĩa: thời gian đầu đa phần nhân viên đều hoài nghi, không tin tưởng lắm vào chương trình, bởi họ không nhìn thấy bờ đê, không biết hành trình sẽ đưa doanh nghiệp đi đâu, về đâu. Do vậy, phải cố gắng giải thích, động viên, chia sẻ cho mọi người hiểu đích đến sẽ là gì, để kéo họ chạy theo.
Trước đó, nhiều nhân viên trong công ty chơi game, nghe nhạc trong giờ làm việc, chưa đến 4 giờ 30 chiều là về gần hết. Nhưng nay mọi sự đã thay đổi,  mục tiêu “tự động” của Kềm Nghĩa đã đạt được 80% và kinh doanh vẫn đạt hiệu quả cao mặc dù kinh tế vẫn đang trong thời kỳ khủng hoảng.

Đối với Công ty cổ phần Kiếng Đình Quốc, ông Đoàn Đình Quốc, Tổng giám đốc công ty, cho rằng đây là thời gian để nhìn lại mình, nhìn lại thị trường, đối thủ. Ông Quốc chia sẻ, thời trước khủng hoảng, công ty đặt tham vọng tăng trưởng nhanh, hiệu quả nhanh, nhưng nay đã điều chỉnh lại mục tiêu từ phát triển nhanh chuyển sang phát triển hợp lý. Công tác dự báo cũng được chú trọng hơn thay vì chỉ dựa trên “cảm tính” như trước. Ông Quốc cho biết việc chẩn đoán và nâng cấp sức khỏe công ty một cách tổng thể  đã giúp giải quyết công việc tốt hơn, đồng thời tiết giảm được chi phí so với trước.

Giám đốc điều hành Công ty Thời trang Việt (NinoMaxx), ông Trần Thanh Sang, cho rằng chờ đến lúc gặp khủng hoảng mới đi khám hay nâng cấp sức khỏe cho doanh nghiệp là quá muộn. Bởi khủng hoảng giống như một cơn bão, khi nó quét qua, doanh nghiệp nào khỏe thì mới tồn tại và ngược lại sẽ bị cuốn đi. Ý thức được điều này từ trước nên hiện nay sự tác động của khủng hoảng đối với NinoMaxx không nhiều. Đây là cơ hội để NinoMaxx có được những vị trí mặt bằng tốt nhất với giá rẻ nhất.
Ông Sang cho biết thêm, hiện tại NinoMaxx không đặt ra tham vọng phát triển nhanh hơn mà là tiếp tục nâng cấp sức khỏe cho doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến hệ thống nhân sự. Ngoài ra, vấn đề quản lý dòng vốn cũng được quan tâm nhiều hơn, các báo cáo lưu chuyển tiền tệ trước đây được xem xét mỗi tháng một lần, thì nay tăng lên hai lần. Ông Sang cho rằng đánh giá lại các mối quan hệ với đối tác cũng là việc cần làm để có những đối tác phù hợp hơn cho chiến lược phát triển mới.

Đứng ở góc độ là nhà tư vấn doanh nghiệp, ông Long cho rằng khám và nâng cấp sức khỏe doanh nghiệp là việc không nên trì hoãn, khám và điều trị khi bệnh còn nhẹ là giải pháp tiết kiệm chi phí. Và khủng hoảng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cấp sức khỏe, tăng sức cạnh tranh. Hành động sớm trong lúc đối thủ đang suy yếu là cơ hội để san bằng khoảng cách và vượt lên.

Sưu tầm: https://www.kynang.edu.vn

Các bài liên quan:

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp với 4 bước

Nghĩ về văn hóa doanh nghiệp Việt Nam

Làm sao xây dựng một văn hóa có giá trị?