CÁCH TẠO NÊN MỐI QUAN HỆ VỚI SẾP MỚI

Lần đầu tiếp xúc và làm việc với sếp mới chắc hẳn sẽ mang lại cho bạn nhiều hứng khởi, nhưng bạn cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn không lường trước khác. Sếp mới, phong cách làm việc mới và những cách giao tiếp, ứng xử khác lạ. Tất cả những điều này sẽ trở thành thách thức với bạn nếu bạn không biết cách xây dựng mối quan hệ vững chắc với sếp. Dù thích hay không, bạn phải phát triển những kỹ năng và thay đổi cách suy nghĩ để tạo dựng nền móng vững chắc cho mối qun hệ này.
Quan sát và học hỏi
Trong những ngày đầu tiên của sếp, nhiệm vụ quan trọng nhất của bạn là để ý và quan sát phong thái, cách thức làm việc của sếp. Đừng vội đưa ra những đánh giá phiến diện về sếp để tránh “tai mách mạch rừng”. Khi một người trở thành sếp, chắc chắn họ có những phẩm chất, kỹ năng lãnh đạo tài ba đáng để bạn học hỏi. Đừng nghĩ những người làm lãnh đạo là những người đã có tố chất sẵn và họ may mắn, tất cả đều nhờ vào sự cố gắng. Vì vậy, hãy quan sát và học hỏi từ sếp của mình để một ngày nào đó, biết đâu những kinh nghiệm bạn học được từ sếp sẽ giúp bạn đạt được thành công.
Làm tốt công việc được giao
Dù bạn có làm gì đi nữa thì kết quả công việc mới chính là sự minh chứng tốt nhất cho sếp thấy được năng lực thật sự của bạn. Hãy luôn để kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của bạn lên tiếng thay vì những ba hoa, nói nhiều hơn làm. Một kế hoạch, một dự án bạn đang thực hiện dở dang và không đạt hiệu quả là thì hẳn nhiên bạn không thể nhận được bất kỳ sự chú ý hay phần thưởng nào từ sếp mới. Một nhân viên thông minh là người biết khéo léo sắp xếp công việc để hoàn thành chúng đúng thời hạn quy định, đem lại hiểu quả cao. Sự tích cực và nhiệt tình của bạn trong công việc sẽ khiến sếp hài lòng và tin tưởng. Đây là một cách thể hiện nhanh nhất để bạn có được lòng tin và sự tín nhiệm của sếp.
Chủ động thể hiện bản thân 
Sếp là nhân tố quan trọng quyết định công việc hiện tại cũng như thành công tương lai của bạn tại công ty. Đây là mối quan hệ đáng để bạn đầu tư xây dựng ngay từ những ngày làm việc đầu tiên. Khi mối quan hệ giữa cấp trên và bạn diễn ra tốt đẹp, công việc của bạn sẽ “ăn khớp” với mục tiêu của công ty và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp của bạn cũng sẽ lớn hơn. Chính vì vậy, ngay từ những ngày làm việc đầu tiên cùng sếp, hãy chủ động thể hiện khả năng chuyên môn của bạn. Tuy nhiên cũng cần chú ý đến cách thể hiện năng lực kinh nghiệm và kỹ năng làm việc một cách khéo léo thể hiện để tránh gây cảm giác khoe khoang và tạo ấn tượng không tốt với sếp.
Tránh gây bất đồng
Trong mọi tình huống giao tiếp, ứng xử với cấp trên, bạn nên giữ thái độ bình tĩnh, tự tin khi trình bày những quan điểm của mình. Khi gặp bất đồng với sếp về công việc, bạn hãy cư xử thật khéo léo và góp ý sếp một cách tế nhị nhất. Hãy trình bày thẳng thắn, rõ ràng các chính kiến của bạn trên tinh thần cùng hợp tác và cùng phát triển. Tốt nhất là nên tránh gây bất hòa, cãi vã với sếp mới khi ý kiến của bạn không được chấp nhận bởi điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn trong mắt sếp và đồng nghiệp.
Cởi mở và thân thiện
Điều mà người Nhật Bản đã rất thành công khi sử dụng để chinh phục trái tim của những khách hàng khó tính nhất, đó là nụ cười. Bạn có thể áp dụng bí quyết này để tạo ấn tượng tích cực với sếp ngay từ những ngày đầu tiên. Thái độ dễ chịu, thân thiện sẽ là là sự khởi đầu rất tốt cho một mối quan hệ mới. Đừng tiết kiệm một nụ cười hay lời khen với sếp bởi đó khoản đầu tư xứng đáng cho một mối quan hệ lâu dài.
Thích nghi với phương pháp làm việc mới
Mỗi nhà lãnh đạo có một phương pháp làm việc khác nhau. Người thì thích tập trung quyền lực, có người lại phân chia công việc cho nhân viên. Có nhà lãnh đạo muốn nhân viên báo cáo công việc thường xuyên, người thì lại thích làm việc theo nhóm. Vì vậy, hiểu được những điều sếp muốn ở một nhân viên, cách thức sếp làm việc rất quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp của bạn. Hãy tìm cách thích nghi và phù hợp với phương pháp làm việc mới để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc. Nếu bạn bạn thấu hiểu được quan điểm, cách suy nghĩ và làm việc của cấp trên thì bạn sẽ nắm được chiếc chìa khóa mở vào một mối quan hệ vững chắc, lâu bền.
Chủ động trong công việc
Đừng ỷ rằng mình là ma cũ thì có thể ý lại, gây sức ép với sếp mới. Là một nhân viên, thay vì ngồi một chỗ và chờ sếp sai bảo, bạn nên chủ động tham gia vào công việc chung. Bạn nên hiểu rõ vị trí và những công việc mình đang làm, tránh tình trạng “ai bảo gì làm làm nấy”. Chắc chắn sếp sẽ thực sự cảm kích trước thái độ tích cực này của bạn bởi chính bản thân sếp cũng sẽ gặp những khó khăn khi bắt đầu tại một môi trường mới. Vì vậy, điều quan trọng bạn cần làm đó là hãy chủ động hơn trong công việc, làm việc chăm chỉ bạn sẽ được sếp ghi nhận và đánh giá cao.
Xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với sếp mới không phải là điều dễ dàng. Chắc chắn cơ hội thăng tiến cũng sẽ không đến với bạn nếu như bạn không biết chủ động tạo dựng mối quan hệ bằng những bước đi hợp lý. Đã đến lúc bạn cần phải học và biết cách áp dụng chúng để đạt được hiệu quả mong muốn.
S.T Bảo Ngọc