7 Phương pháp học tiếng anh hiệu quả

Bạn là sinh viên, bạn là một công chức, hay là một giảng viên về Anh văn, có bao giờ bạn tự hỏi là trình độ  Anh văn của mình thực sự giỏi chưa? Có thể bạn rất khá về văn phạm và ngữ pháp, nhưng liệu khi tiếp xúc với người nước ngoài bạn có thể nghe được và nói được không?

Tôi muốn giới thiệu đến các bạn 7 phương pháp để có thể luyện Tiếng Anh theo phương pháp mới mà đa số những người đã luyện theo phương pháp này cho là thành công.
 Phương pháp 1
Trước khi bắt đầu phương pháp này, hãy cho tôi hỏi bạn vài câu hỏi:
1/ Bạn có bao giờ bạn đặt Mục Tiêu và lên kế họach cho 1 chương trình học từ của 1 chủ đề chưa?
2/ Bạn thường học từ vựng Anh văn khi nào ?
3/ Có phải bạn chỉ học những từ có trong bài mà thầy cô cho trên lớp không ?
4/ Bạn đã có 1 nhóm có cùng Mục Tiêu để học Anh văn chưa ?
Vậy để thực hiện phương pháp này, bạn cần phải làm các bước sau:
– Đặt cho mình 1 Mục tiêu (ngắn hạn, dễ đạt được nhất )
– Lên 1 kế hoạch trong 1 thời gian cụ thể (ngắn thôi, bạn sẽ dễ theo đuổi) để học từ của chủ đề mà thích hoặc phải học.
– Cam kết học mỗi ngày bao nhiêu cụm từ, câu…và cam kết giữ đúng kế hoạch. Không được để bị tác động bởi tâm trạng, sức khỏe, hay ngoại cảnh.
– Luôn luôn điều chỉnh kế hoạch sau vài ngày thực hiện để giữ đúng hạn định hoàn thành Mục Tiêu.
– Họp nhóm để có môi trường thực tập những gì bạn đã học.
Phương pháp 2
Bạn đã có mục tiêu và kế hoạch học cho riêng mình chưa? Rất vui được chia sẻ với bạn phương pháp thứ 2 để học từ vựng. Hãy để tôi hỏi bạn một câu :
Trong 4 Kỹ Năng: NGHE – NÓI – ĐỌC – VIẾT bạn nên luyện và thành thạo kỹ năng nào trước?
Để học từ dễ và nhanh nhất bạn nên nghe và hiểu trước, nghe theo chủ đề mà bạn thích hay là chủ đề mà bạn đang cần để phục vụ cho công việc của bạn. Tại sao?

Có một công thức giúp bạn có kết quả tốt. Đó là: Suy Nghĩ -> Cảm Xúc -> Hành Động -> Kết Quả. Do đó, chỉ nên nghe những gì bạn nghĩ là cần thiết thì mới cho bạn một cảm giác thoải mái khi nghe. Để rút ngắn thời gian luyện kỹ năng nghe của mình cho có hiệu quả, bạn phải nghe những gì bạn đã hiểu.

Tốt nhất, bạn nên NGHE và học từ vựng theo từng chủ đề cụ thể, ví dụ:  du lịch, thể thao, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, golf, …chủ đề càng cụ thể càng tốt. Chậm thôi học hết chủ đề này đến chủ đề khác.

Phải tìm đọc tất cả các bài viết về chủ đề đó, nên học từ mới trong một câu trọn vẹn để thấy cách dùng và vị trí của từ đó. Quy luật của học từ vựng là học câu ngắn, hoặc cụm từ, không bao giờ học từng từ riêng rẻ. Hãy tự làm cho mình 1 từ điển riêng về các chủ đề mà mình đã học. Sau đó viết ra giấy những câu hay cụm từ đã học rồi dán chúng trên tường hoặc nơi nào bạn dễ thấy nhất. Nên nhìn chúng thường đến khi nào bạn sử dụng được từ đó để diễn đạt ý mình muốn nói thì hãy lấy nó xuống.

Nhiệm vụ của bạn là phải đi đến nơi nào có thể sử dụng được những từ đã học, vì khi bạn nói nó ra bạn sẽ ghi được vào tiềm thức của bạn. Lúc đó bạn đã nhớ từ đó ở mức độ TRẢI NGHIỆM. Mức độ cao nhất của việc học là bạn sẽ không bao giờ quên những từ vựng đó nữa.

Phương pháp 3
Kỹ thuật tách ghép từ: Một cách học Tiếng Anh đầy sáng tạo và thú vị, giúp bạn nhớ từ vựng Tiếng Anh lâu hơn.
Để giỏi tiếng Anh, bạn phải kết hợp tốt rất nhiều kỹ năng và yếu tố khác nhau. Một trong số đó là trang bị một vốn từ “hoành tráng”. Tuy nhiên, việc học từ vựng vốn dĩ xưa nay với bất cứ người nào (thậm chí cả dân bản xứ) cũng là một việc không dễ dàng gì.

Những cách thức truyền thống mà học sinh vẫn thường được dạy khi học từ vựng là tập viết, đặt câu, đọc những bài văn liên quan đến từ đó, thậm chí… ngồi ngâm đến thuộc. Một số cách mới hơn như “flash card” cũng không đạt hiệu quả cao, và mua chúng cũng không phải là rẻ.

Vậy có cách nào giúp bạn học nhanh, nhớ nhanh, hứng thú mà lại nhớ từ rất lâu, thậm chí ghi nhớ cả đời không?
Phương pháp này không có xuất xứ chính thức từ đâu cả, nó xuất hiện ngẫu nhiên với nhiều người học tiếng Anh và sau đó được phổ biến. Trong tiếng Việt, hãy tạm gọi phương pháp này là “kỹ thuật tách ghép từ”

Hãy đến với ví dụ bên dưới đây

Ví dụ: Brusque (adj): lỗ mãng, cộc cằn. Ví dụ bạn vừa nhìn là một từ tiếng Anh rất khó và hiếm.
Nếu bạn gặp phải nó một lần, làm thế nào để ghi nhớ nó trong một thời gian dài, khi mà cơ hội bạn sẽ gặp lại nó trong cuộc sống là rất thấp.
Bí quyết là gì?
Hãy xem “kỹ thuật tách ghép từ” giải quyết vấn đề trên thế nào.Từ BRUSQUE có thể tách là BRUS-QUE. Tiếp đó, từ BRUS được biến đổi thành BRUSH (bút vẽ) và từ QUE biến đổi thành từ QUEEN (nữ hoàng). Như bạn thấy, những từ như BRUSH (bút vẽ) và QUEEN (nữ hoàng) là những từ vô cùng đơn giản với những người đã học tiếng Anh. Bây giờ, với từ BRUSQUE ban đầu nghĩa là “cộc cằn thô lỗ”, bạn hãy liên tưởng nó đến BRUSH (bút vẽ) và QUEEN (nữ  hoàng). Hãy tưởng tượng tại vương quốc của những cây bút vẽ, có một nữ hoàng ngự trị.

Bà ta là một kẻ rất thô lỗ cộc cằn. —-> The BRUSH QUEEN is very BRUSQUE. Hãy để trí tưởng tượng của bạn được thỏa sức phát triển. Hãy hình dung hình ảnh trong câu văn vừa rồi thành những gì sinh động nhất, thú vị nhất bạn tưởng tượng được ra trong đầu. Tưởng tượng và liên tưởng càng hay bao nhiêu, bạn càng nhớ từ vựng lâu bấy nhiêu.

Giờ hãy dành thời gian xem lại một lần nữa ví dụ ở trên. Bạn đã thuộc từ tiếng Anh này chưa? Nếu rồi,chúc mừng bạn, bạn đang nắm trong tay một phương pháp học từ vô cùng hiệu quả. Điểm mấu chốt của “kỹ thuật tách ghép từ” là nó dựa trên những từ gốc của từ người học đang nghiên cứu, sau đó biến đổi một cách cố ý để giúp người học lần sau gặp lại có thể dựa trên các đầu mối để nhớ ra từ.

Rõ ràng nhiều học sinh có ý thức họ đã gặp từ tiếng Anh này rồi, nhưng những manh mối của họ quá nhạt nhòa nên chỉ dừng ở cảm giác chứ không thể nhớ ra chính xác nghĩa của từ đó là gì.

Sau khi dùng kỹ thuật tách ghép từ, mỗi khi nhìn vào một từ nào đã từng học, những từ ngữ bị tách lập tức sẽ biến thành manh mối dẫn người học tới nghĩa chính xác của từ. Đây là một phương pháp rất hay dành cho những ai muốn nâng cao vốn từ vựng mà không quan trọng quá việc nhớ chính xác một từ viết thế nào, chỉ cần nhận ra mặt chữ là được.

Dưới đây, để giúp các bạn hiểu hơn, bài viết xin cung cấp thêm vài ví dụ:

+ AUGUR(v) tiên đoán – Hãy nghĩ tới AUGUST (Tháng 8) và tưởng tượng: Một vị pháp sư có khả năng AUGUR (tiên đoán) những gì xảy ra trong AUGUST (tháng 8).
+ BERATE (v) nghiêm trách, trừng trị – Hãy nghĩ tới BE-A-RAT (một con chuột) và tưởng tượng: Một cậu bé vì quá nghịch ngợm nên đã bị bà tiên trừng phạt, bà tiên BERATE (trừng phạt) cậu bằng cách MAKE HIM BE A RAT (biến cậu thành một con chuột)
Không có một cách tách ghép từ chuẩn xác nào cả, tất cả phụ thuộc vào tính sáng tạo của bạn.Càng sáng tạo bao nhiêu, việc học từ của bạn càng đơn giản và dễ dàng bấy nhiêu. Tuy có một số hạn chế, như không phải từ nào cũng có thể tách ra được, hoặc không phải ai cũng có sức sáng tạo mà ngồi tách ra được từng từ, nhưng quả thật đây là một cách học từ rất hay và hiệu quả.

Hầu hết những ai đã thử qua phương pháp này đều nhận thấy rằng họ hầu như không quên từ mình đã học. Tuy nhiên, cách tách ghép này có thể là hữu ích cho những bạn có vốn từ kha khá, vậy những bạn vốn từ còn ít thì sao?

Mình mách các bạn một phương pháp cũng tách ghép nhưng theo nghĩa tiếng Việt. Bạn hãy xem ví dụ sau đây :
HIPNOSIS (N): THUẬT THÔI MIÊN. HIP: Thôi miên người khác có ý như ăn hiếp người ta, mà phải nhớ là hip (không ê). NOSE: lỗ mũi, thôi miên có nghĩa là làm cho người ta hành động theo ý mình, “ Vuốt mặt không nể mũi”, nhưng phải nhớ NOS (không e)và cuối cùng là IS. Thế là mình nhớ hoài chữ hipnosis là thuật thôi miên.
Phương pháp 4
Vâng phương pháp thứ 4 này tôi muốn đề cập tới loại bản đồ này (Mind Map)
Bản đồ Tư Duy là gì ? Nó là một công cụ tổ chức tư duy nền tảng. Và nó thật đơn giản ! Nó dùng để sắp xếp ý nghĩ của bạn giống như các bản đồ dường phố, một Bản Đồ Tư Duy:
– Cho bạn một cái nhìn tổng quan về một vấn đề hay một lĩnh vực quan trọng
– Cho phép bạn vẽ bản đồ các tuyến đường hay đưa ra các lựa chọn, và cho bạn biết nơi bạn sẽ tới và nơi bạn đã đi qua.
– Tập hợp số lượng lớn vào một chỗ.
– Giúp giải quyết các vấn đề bằng cách chỉ ra cho bạn những con đường sáng tạo mới mẽ.
– Làm cho bạn thấy thích nhìn, suy tưởng và nhớ lại.

Bạn cần gì để tạo ra Bản Đồ Tư Duy ?

1. Một tờ giấy trắng
2. Bút màu và bút chì màu
3. Bộ não để suy nghĩ
4. Trí tưởng tượng của bạn
Ví dụ : Bạn học về Fruit. Bạn có thể vẽ 1 giỏ trái cây ngay chính giữa tờ giấy theo chiều ngang. Sau đó vẽ thêm các nhánh to tên từng loại trái cây mà bạn học. Ở cấp độ 3, bạn vẽ thêm các nhánh nhỏ của các nhánh lớn đó, để mở rộng từ ngữ về hoa quả. Tương tự như thế bạn áp dụng với tất cả môn học. Riêng với ngoại ngữ, khi nó chưa là ngôn ngữ thứ 2 của bạn, bạn cần phải ôn luyện chúng hằng ngày.
Phương pháp 5
Tình hình trao dồi từ vựng Tiếng Anh của bạn thế nào rồi? Khả quan hơn không ?
Bạn có kết hợp các phương pháp không ? Đây là phương pháp thứ 5 giúp bạn học từ dễ nhớ nhưng không bao giờ quên. Bạn có thích luyện tập hằng ngày không?
Đây là phương pháp ghi trực tiếp vào tiềm thức của bạn. Nó không thông qua 2 bán cầu trái và phải (phần ý thức) của bạn.
Bước 1: Thị Giác: Bạn viết câu có từ mới mà bạn học. Cầm tờ giấy ấy để trước mặt và vẽ theo hình số 8 nằm ngang, đó là hình cực âm, cực dương. Nhìn theo và lặp lại câu đó ít nhất 10 lần để ghi nhớ bằng mắt.
Bước 2: Thính Giác: Bạn lấy 2 ngón tay chà xác lên 2 vành tai để tạo tiếng sột soạt và miệng thì đọc to câu đó ít nhất 10 lần để ghi nhớ bằng tai.
Bước 3: Xúc giác: Động tác thứ 3 co khủy tay phải và nâng đầu gối chân trái lên cho đụng vào nhau, sau đó đổi bên, vừa làm vừa đọc câu đó ít nhất 10 lần.
Bước 4: Tinh thần: Hai tay để ở ngực trái, nhắm mắt và đọc câu đó để cảm nhận sự rung động từ trái tim của bạn.
Bạn nên dùng phương pháp này để học nguyên câu dạng tuyên bố hoặc định nghĩa bằng mọi ngôn ngữ.
Vd : Your inner world creates your outer world.
Bạn sẽ không bao giờ quên những điều bạn đã học.
Phương pháp 6
Khi học từ vựng cũng như học các môn khác cũng vậy, bạn cũng phải học những từ của chủ đề mà bạn đang thích. Đối với những bạn còn học phổ thông, phải học bài theo thứ tự bài giảng trong lớp, bạn nên thêm âm nhạc vào các từ cần học, ví dụ đọc nhạc RAP và nhúng nhảy theo điệu nhạc khi đọc từ. Sau đó nên ghi âm lại giọng đọc của mình để nghe và sửa giọng của mình từ từ và cũng dùng để ôn tập. Nên tập trung sử dụng danh sách từ vựng của từng chủ đề.
Phương pháp 7
Đây là phương pháp cuối cùng trong loạt phương pháp học từ vựng mà không bao giờ quên.
Tuy nhiên phương pháp này vô cùng quan trọng và bạn phải thường xuyên áp dụng kết hợp với các phương pháp kia,  đó là Play Games. Chơi trò chơi đố chữ như Scrabble, Boggle và ô chữ (crossword puzzles).

Những trò chơi như thế này và nhiều trò chơi khác đều có sẵn trong máy tính vì thế mà bạn có thể tự chơi chứ không cần phải có người chơi cùng. Bạn cũng hãy thử dùng Từ điển điện tử Franklin, đ ây là từ điển cài nhiều trò chơi đố chữ.

Ngoài ra, bạn nên có một nhóm bạn để cùng chơi, như chơi nói tiếp từ, có thể theo chủ đề hoặc chữ đầu của từ sau là chữ cuối của từ trước.Cả nhóm cũng cần tập trung để cùng làm bài tập về luyện từ online, offline.
Hãy trải nghiệm và ghi lại Các kết quả mà bạn đạt được.