NGÔN NGỮ HÌNH THỂ TRONG PHỎNG VẤN

Hãy cẩn thận với ngôn ngữ cơ thể của bạn khi dự phỏng vấn, nắm rõ những điều nên và không nên để nắm lấy công việc mơ ước.
Có lẽ câu ngạn ngữ “Điều quan trọng không phải bạn nói gì mà là nói như thế nào” khá hợp lý khi chúng ta bàn về hiệu quả của ngôn ngữ hình thể trong giao tiếp. Bởi nó nói lên nhiều điều về tính cách, phẩm chất và xu hướng hành xử của con người. Giao tiếp trong phỏng vấn tìm việc cũng không ngoại lệ.
Ngôn ngữ cơ thể kém có thể gửi đi thông điệp rằng bạn không có năng lực, sợ hãi, không hài lòng – tất cả những điều bạn không hề muốn tiết lộ. Nhà tuyển dụng có thể bỏ qua khi bạn trả lời lan man trong một hai câu hỏi. Nhưng bạn sẽ rất khó giữ cơ hội làm việc nếu mọi ngôn ngữ cơ thể đều chứng mình rằng bạn không thể làm việc tốt dưới áp lực hoặc không có niềm tin vào bản thân.
Đừng làm suy yếu khả năng của mình trên hành trình tìm việc bằng các thói quen xấu! Tập luyện thường xuyên để loại bỏ những sai sót trước khi chúng thực sự khiến bạn hối tiếc.
 KHI BẮT ĐẦU
Hãy tạo ấn tượng đẹp trong mắt nhà tuyển dụng ngay khi họ nhìn thấy bạn tiến vào phòng phỏng vấn và chinh phục trái tim người đối diện chính trong giây phút bạn nói câu “Xin chào”! Bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể xuất hiện với diện mạo chỉnh chu nhất, đồng thời nên luyện tập thường xuyên để toả sáng trong tư thế đĩnh đạc, đúng mực và chuyên nghiệp nhất.
Hãy luôn giữ bên mình vũ khí quen thuộc, đơn giản nhưng hiệu quả là nụ cười tự tin, chân thành và cởi mở. Tuyệt đối đừng đánh mất cảm tình của người phỏng vấn với các động tác như chỉnh vớ, sửa cà vạt, kéo lưng quần hay tay áo khi đứng lên chào họ; hoặc bộc lộ dáng vẻ thiếu tự tin, chân rụt rè, mắt lấm lét hoặc láo liên và đầu cúi gằm khi di chuyển vào phòng. Mọi công tác “sửa sang” ngoại hình nên hoàn tất trước khi bạn bước qua ngưỡng cửa công ty, tốt nhất là từ bãi giữ xe.
Bắt tay cũng là vấn đề quan trọng. Phải học hỏi đến nơi đến chốn bạn mới có được kỹ năng bắt tay đúng nghi thức. “Cá ươn hay nghiền xương”? Cần chắc chắn là cái bắt tay của bạn đủ mạnh mẽ, không e dè, lỏng lẻo hay ẻo lả! Nhưng với tất cả sự tôn trọng, đừng quá trớn mà biến thành cảm giác áp đảo, bóp nghẹt hay nghiền nát. Bạn đâu muốn điều duy nhất nhà tuyển dụng nhớ về mình chính là người đã làm các ngón tay họ tê liệt?! Chừng mực, tử tế và ấm áp, sẽ chứng minh bạn là nhân viên đáng tin cậy, hiểu quy tắc, biết cách giao tiếp và không sợ hãi.
TRONG LÚC PHỎNG VẤN
Bên cạnh việc tập trung đầu tư thật nhiều “muối” cho các câu trả lời nhằm thể hiện năng lực và phẩm chất một cách tốt nhất thì ứng viên cần chú ý cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể của mình toàn diện từ ngọn tóc đến gót chân. Dưới đây là một số lời khuyên để thực hành:
– “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”: Hãy thiết lập một không gian cá nhân thoải mái giữa bạn và người phỏng vấn. Việc xâm nhập không gian cá nhân có thể làm cho người phỏng vấn cảm thấy không thoải mái và không tập trung vào cuộc trò chuyện của bạn. Trong những trường hợp được lựa chọn chỗ ngồi hoặc đứng trò chuyện, hãy giữ khoảng cách giới hạn 50cm! Đừng đụng chạm hay tiếp cận quá gần đến nỗi suồng sã, thô lỗ mà nghĩ rằng mình đang thân thiện.
– Hãy duy trì thần sắc tỉnh táo, tự nhiên với nhiều nụ cười tươi trên gương mặt! Luyện tập để bỏ các thói quen chớp mắt, xoắn tóc, cắn móng tay, quẹt mũi, mím môi, xoa cổ một cách vô thức trong khi trò chuyện. Làm như thế bạn sẽ bị nhà tuyển dụng nghi ngờ rằng có điều gì bất minh, không trung trực. Đừng quá tự nhiên ôm lấy đầu khi đang phỏng vấn. Loại ngay các thái độ thiếu lễ độ như nhíu mày, trề môi, hất mặt bất kể rằng bạn bày tỏ cảm xúc về người tốt hay xấu.
– Kiểm soát đôi tay để có “thần thái” chuyên nghiệp nhất! Đôi tay thể hiện mức độ cởi mở và thân thiện, vì thế những người trầm tính sẽ ít cử động cánh tay ra xa cơ thể. Bạn có thể buông hờ tay dọc theo thân người hoặc đặt trên đùi, không thả lỏng quá mà cũng không gồng cứng.
Vào những lúc thích hợp có thể đặt đôi tay lên bàn hoặc cầm lấy CV để bớt cảm giác thừa thãi, nhưng không chống cằm, tựa chỏ, hoặc chắp tay lại như đang cầu nguyện hay nghe trách phạt. Tuyệt đối tránh vung múa khua tay khi kể chuyện và bày tỏ cảm xúc, người nghe sẽ đánh giá rằng bạn khoa trương, bốc đồng và không biết kiểm soát hành vi. Đồng thời đừng bao giờ khoanh tay thu người lại, tư thế này cho thấy bạn đang phòng thủ, kém thân thiện hoặc đôi khi bị hiểu là kẻ cả.
– Bạn cần giữ yên đôi chân trong suốt thời gian phỏng vấn để bảo vệ hình tượng một người bình tĩnh, tâm lý vững vàng. Nhiều người thường có thói quen rung lắc hoặc nhịp chân khi lo lắng hoặc sốt ruột, và chúng ta cử động chân nhiều hơn khi bối rối, khó xử hoặc có điều che giấu. Các bạn nữ hãy ngồi thẳng chân khép kín, hạn chế bắt chéo chân nếu có thể (vì sau đó bạn không cần đổi tư thế khi mỏi). Nam thì nên để chân không khép chặt cũng không dang quá rộng, tuyệt đối không gác chân chữ ngũ vì trông rất ngông ngênh, phản cảm.– Tư thế đúng rất quan trọng khi dự phỏng vấn, giúp bạn gia tăng sự tự tin và kết nối tốt hơn. Hãy ngồi thẳng lưng, hơi nghiêng về phía trước để bày tỏ sự quan tâm, ý muốn tiếp nhận thông tin và tương tác. Khi bạn nói, giữ đầu cân bằng là tư thế thích hợp nhất để nhà tuyển dụng dễ lắng nghe và quan sát bạn. Muốn tỏ ra thân thiện và biểu lộ sự đồng tình, hưởng ứng thì bạn có thể nghiêng nhẹ đầu sang bên, thỉnh thoảng gật đầu (nhưng không nhiều đến mức trông bạn như fan cuồng chẳng biết gì ngoài gật gù).
Cố gắng không thay đổi tư thế ngồi quá nhiều lần. Nhún vai, rụt cổ hay nhúc nhích, vặn vẹo, lắc lư cơ thể là hành động cần triệt tiêu. Đừng ngồi chông chênh sát mép ghế như một đứa trẻ đang bất an sợ sệt. Và dù có cảm giác thoải mái đến thế nào cũng nhớ không dựa ngửa cả người ra lưng ghế như thể bạn đang xem phim hay thư giãn, tư thế này bị xem là thiếu nghiêm túc và không tôn trọng người đối diện.
Đừng bỏ quên sức mạnh của “cửa sổ tâm hồn”, hãy luôn nhìn thẳng người đối diện để lắng nghe đầy đủ và bày tỏ sự tôn trọng. Giao tiếp bằng ánh mắt ở mức độ 70% chứng minh bạn sở hữu trí thông minh cảm xúc tốt. Nếu có nhiều hơn một phỏng vấn viên, bạn phải đảm bảo mình chia đều ánh mắt cho tất cả và nhìn vào người đang nói đúng lúc. Nhưng nhớ đừng nhìn vào môi khi họ đang nói như thể bạn sắp nuốt chửng lấy nó, điều này rất khiếm nhã. Đôi khi cuộc trò chuyện sẽ bị gián đoạn vì người phỏng vấn nhận điện thoại hoặc xử lý việc gấp với nhân viên, bạn đừng nhìn chằm chằm vào họ và khi cần thiết có thể ra dấu rằng mình sẽ rời đi để nhường lại sự riêng tư.
– Cẩn thận với mùi hương. Nước hoa đại diện cho sự trang nhã, thanh lịch và phong cách riêng mỗi cá nhân. Tuy nhiên, cần rất nhiều sự tinh tế và khoé léo khi sử dụng các loại khử mùi và nước hoa. Trong trường hợp bạn không chắc được rằng mùi hương yêu thích của mình có quá nồng hay đặc biệt đến nỗi khiến mọi người có mặt trong phòng bị ngộp thở, khó chịu, thậm chí dị ứng hay không thì phương án tốt nhất không dùng. Ngược lại, mùi hôi cơ thể (nếu chẳng may bạn bị) do đi ngoài trời nắng, đường xa hay tự nhiên cũng là vấn đề cần lưu tâm tìm cách khắc phục. Không phải do bạn cố ý, nhưng tất nhiên làm phân tâm, rối trí hay gây nhiễu loạn nhịp thở của nhà tuyển dụng không mang lại bất cứ lợi ích nào cho bạn hết.
KHI RA VỀ
Bạn đã bước đến tự tin và cư xử chuyên nghiệp thế nào thì hãy duy trì nó cho đến tận lúc không còn bất cứ ai trong công ty nhìn thấy bạn nữa. Tất nhiên chúng ta có nhiều điều để lo lắng chứ không chỉ mỗi vấn đề ngôn ngữ hình thể, nhưng đã làm thì làm triệt để. Nghĩa là bạn phải thể hiện một con người nhất quán một cách trọn vẹn trong tầm quan sát của công ty.
Bạn có một buổi “bán mình” xuất sắc, nhận lại nhiều ánh mắt thích thú và lời hứa hẹn tiến xa hơn trong cuộc chiến giành công việc mơ ước, hay đang đôi chút hoang mang do không cảm nhận được tâm ý nhà tuyển dụng, hoặc đang thất vọng vì mọi thứ diễn ra không mấy suôn sẻ? Vui đến mấy cũng đừng vội nhảy cẫng lên, gọi điện khoe khoang, tỏ ra ngạo mạn ngay tại hành lang. Dù tệ như thế nào cũng không được rũ đôi vai xuống, đừng lê bước thất thiểu vào thang máy và trưng ra bộ mặt bất mãn, tuyệt vọng.
Hãy giữ nguyên tư thế ngẩng cao đầu và nụ cười chân thành. Bắt tay, rồi nói lời cảm ơn và tạm biệt nhà tuyển dụng một cách duyên dáng sau buổi trò chuyện. Chuyên nghiệp đến phút cuối sẽ đảm bảo cho bạn một cơ hội cao nhất có thể.
Năng lực và kinh nghiệm là điều mỗi người đi làm sẽ bồi dưỡng thêm theo thời gian, nhưng ngay hôm nay bạn hoàn toàn có thể trở thành một ứng viên thanh lịch.
S.T Bảo Ngọc