Khi bạn có nhiều thập kỷ làm việc với các giám đốc điều hành và lãnh đạo doanh nghiệp, bạn không thể không nhận ra trên một chặng đường dài, việc làm nào đem lại lợi ích và việc nào không. Một điều mà tôi đã nhận ra, bản chất tính cách hay thói quen của mỗi người không phải là nhân tố quyết định sự thành công của mỗi cá nhân, mà đó cách ứng xử của bạn.
Ý của tôi là gì khi nói đến cách ứng xử? Đó là việc bạn phản ứng ra sao khi phải chịu đựng căng thẳng kéo dài; bạn hoàn thành các công việc theo cam kết hay không; cách bạn giao tiếp, tương tác với mọi người xung quanh như thế nào; thái độ khi làm việc với khách hàng; bạn nỗ lực đến đâu để hoàn thành công việc một cách nghiêm túc; liệu bạn đang làm việc với tinh thần tập trung và kỷ luật cao độ, hay đang trong trạng thái dễ bị phân tâm? Đó chỉ là một vài ví dụ minh họa khi nói đến cách ứng xử.
Tôi thừa nhận rằng mình có quen biết một số nhà sáng lập công ty và CEO có cách ứng xử bất bình thường nhưng trong một thời gian, họ vẫn làm tốt vai trò của mình. Nhưng rồi sớm hay muộn, thường thì khi họ phải làm việc dưới áp lực cao và mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ, họ sẽ phản ứng theo cách không có lợi cho bản thân, để rồi tự hủy hoại mọi thứ. Đáng buồn thay, họ thường kéo doanh nghiệp của mình đi xuống cùng họ.
Nếu bạn muốn làm ăn lớn, phát triển một sự nghiệp lừng lẫy trong dài hạn, có lẽ bạn sẽ muốn nhìn thật lâu và thật kỹ vào trong gương để xem xem trên gương mặt có dấu hiện nào có thể cản trở sự nghiệp của mình hay không
1. Vẻ ngây thơ.
Sự thật là, khi bắt đầu sự nghiệp chúng ta đều có vẻ hơi ngây thơ và dễ tin người, nhưng bạn càng sớm trở nên “cáo” và biết cách nghi ngờ mọi thứ, cơ hội sớm trở nên thành công của bạn càng cao. Lý do rất đơn giản: những kẻ ngốc và ngây thơ không bao giờ giành chiến thắng. Hãy học cách đặt câu hỏi trước mọi thứ bạn đọc và nghe hàng ngày, đừng quên chú ý tính xác thực của nguồn thông tin.
2. Hoảng loạn.
Những tình huống gây áp lực cao là chuyện phổ biến trong giới kinh doanh. Mọi việc không bao giờ đi theo kế hoạch và đôi khi chúng còn đi chệch hướng một cách tồi tệ. Đó là chuyện thường tình. Nếu bạn không thể kiểm soát lượng adrenaline (nhằm kiếm chế stress) và giữ bình tĩnh trong khi khủng hoảng xảy ra, bạn sẽ gặp rắc rối lớn đấy.
3. Cuồng tín.
Sự nhiệt thành có thể là một tác nhân dẫn đến thành công, nhưng khi bạn vượt quá giới hạn và trở nên quá cuồng tín, điều này sẽ chống lại bạn. Tôi rất hay chứng kiến cảnh này. Sự mê tín quá độ dẫn đến nhận thức méo mó về tình hình thực tại, những lời biện minh, lý luận sai lệch, và những quyết định tồi tệ.
4. Sự lười biếng.
Những người luôn hướng tới việc đạt được những thành tựu to lớn biết một quy tắc cơ bản: Phải “nằm gai nếm mật” trước khi hái được quả ngọt. Đó là lí do tại sao họ luôn rất tập trung và kỷ luật. Tuy nhiên, phần lớn mọi người đều lười biếng. Điều này lý giải tại sao chỉ có một số ít người trở nên thành công. Đơn giản chỉ có vậy.
5. Tâm lý “ăn xổi”.
Steve Jobs từng nói, “Một nửa những điều khiến cho những doanh nhân thành công khác với những người không thành công nằm ở sự kiên trì bền bỉ”, và nếu bạn không đam mê những gì bạn làm, bạn sẽ không gắn bó với nó. Có quá nhiều người muốn nếm quả ngọt ngay tức khắc. Nhưng việc này sẽ không diễn ra như mong đợi đâu.
6. Để cảm xúc bùng nổ.
Dù bạn đang phải chống chọi với cảm xúc gì – ghen tị, xấu hổ, cảm giác yếu thế – “giận cá chém thớt” và để sự bực tức bùng nổ không chỉ khiến bạn và những người xung quanh chìm trong bầu không khí tiêu cực, mà nó còn có thể giết chết sự nghiệp của bạn.
7. Ích kỷ.
Nếu bạn hành động như thể cả thế giới chỉ xoay quanh bạn, tốt hơn hết là bạn nên có đủ tài năng để minh chứng cho việc này. Dù vậy, việc quá tập trung vào bản thân sẽ làm giảm thiểu hiệu quả làm việc của bạn. Việc kinh doanh không chỉ xoay quanh bạn, mà nó còn là tạo ra các mối làm ăn, là trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn. Hãy nhớ ai phục vụ ai trong mối quan hệ này.
8. Sống trong quá khứ hoặc tương lai.
Rõ ràng là, chúng ta có thể rút ra những bài học từ quá khứ, nhưng đắm chìm trong đó là một cách hủy hoại bản thân. Tương tự, bạn có thể lên kế hoạch và mơ những giấc mơ về tương lai, nhưng nếu những hành động của bạn không tập trung vào hiện tại, bạn sẽ không bao giờ thực hiện được kế hoạch hay chạm tới ước mơ của mình.
9 .Thờ ơ một cách vô tư.
Bạn sẽ thường xuyên nghe được những cụm từ như “cái gì cũng được “, “tất cả mọi việc đều tốt cả,” và “không phải lo lắng gì đâu”, nhưng bạn sẽ ít khi nghe được những lời này từ những người rất tài năng. Những người thành công có thể cư xử thế này hay thế khác nhưng sự thờ ơ với mọi việc thì không bao giờ.
10. Nhạy cảm quá độ.
Nếu da mặt bạn quá mỏng đến mức bất kì lời phê bình nào cũng khiến bạn “nóng mặt” và mọi tiểu tiết đều có thể làm bạn khó chịu, bạn sẽ phải đi trên một con đường chông gai trong thế giới kinh doanh. Có lí do hợp lý giải thích việc các lãnh đạo doanh nghiệp thường có khiếu hài hước và có vẻ khiêm nhường. Nó gần như là một yêu cầu vậy. Đừng trầm trọng hóa mọi vấn đề.
Một điều cuối cùng. Nếu một hay một vài trong số những điều kể trên khiến bạn phật ý đến mức muốn viết một vài lời bình luận chứa đầy sự giận dữ, bạn có ít nhất hai hoặc ba vấn đề phải xử lý đấy. Và, hãy nhìn vào mặt tích cực, ít nhất thì bạn không thờ ơ.