NHỮNG KỸ NĂNG CẦN CÓ ĐỂ THUYẾT TRÌNH THÀNH CÔNG

Thuyết trình giờ đây không còn là chuyện của riêng nghề diễn giả mà đã trở thành một phần kỹ năng thiết yếu của cuộc sống. Từ nhà lãnh đạo, nhân viên cho đến sinh viên, học sinh cũng đều trải qua nhiều tình huống phải nói chuyện, linh hoạt trước đám đông hay một nhóm người. Thuyết trình là một trong những kỹ năng mềm cần thiết để thành công, hay nói cách khác những người thành công là những người có kỹ năng thuyết trình tốt.
Nhưng không phải ai cũng tự tin để thuyết trình. Những người mới thuyết trình chia sẻ rằng cảm giác chung khi đối mặt với khán giả là run, mất tự tin, sợ bị nói sai, sợ nói không hay, bị ấp úng, ngồi dưới thì nghĩ ra rất nhiều nhưng đứng lên trên thì hồn vía bay đi đâu không rõ… Không chỉ riêng người trẻ mà rất nhiều người lớn tuổi cũng có chung cảm giác này. Để thuyết trình thành công thì những mẹo sau đây sẽ giúp ích cho bạn đấy nên đừng bỏ qua mà hãy đọc hết nhé.
1/ MỞ ĐẦU BÀI THUYẾT TRÌNH ẤN TƯỢNG
Để cách thuyết trình được sâu sắc thì lời mở đầu của một bài thuyết trình rất quan trọng bởi nó quyết định rằng những người dưới kia có tiếp tục nghe bạn nói nữa không. Thông thường khi bắt đầu vào bất cứ buổi thuyết trình nào dù đơn giản hay trang trọng, khi người nghe vẫn chưa thực sự chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho bài nói của bạn. Một mở đầu ấn tượng của bạn sẽ giúp người nghe gạt bỏ mọi yếu tố gây nhiễu từ bên ngoài và cuốn vào bài thuyết trình của bạn.  Nếu bạn thu hút được khán giả ngay từ đầu, họ sẽ có khả năng dõi theo bạn cho đến hết bài thuyết trình. Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh để thu hút và gây ấn tượng với khách hàng, bạn chỉ có 4 phút cho phần mở đầu hoàn hảo. “Đầu xuôi đuôi lọt”, mở đầu tốt coi như bạn thành công một nửa.
Các cách giúp bạn có được sự mở đầu ấn tượng

  • Những câu hỏi bất ngờ
  • Mở màn bởi một câu chuyện hay một tình huống hài hước
  • Những con số thống kê
  • Chiếm lấy trái tim người nghe
  • Tạo ấn tượng qua giọng nói và tác phong chuyên nghiệp
    Xem thêm tại: Cách mở đầu ấn tượng ít người biết 

2/ SỰ TỰ TIN
Một trong những phương pháp để cải thiện kỹ năng thuyết trình đó là chú ý rèn luyện phong thái tự tin. Phong thái tự tin sẽ gây ấn tượng rất tốt, thậm chí ngay cả trước khi bạn bắt đầu nói. Nếu bạn trông tự tin và tin tưởng vào những gì mình nói, khán giả cũng sẽ có thể đặt sự tin tưởng vào bạn. Vì vậy, hãy có phong thái chững chạc, nở nụ cười và giao tiếp bằng mắt với khán giả để cho thấy bạn không hề sợ hãi và hiểu rõ những gì mình nói. Thậm chí dù bạn không cảm thấy thực sự tự tin thì tỏ ra cảm giác tự tin cũng sẽ giúp bạn nhẹ nhõm và dễ khiến người khác tin bạn hơn.
Các mẹo giúp bạn có được sự tự tin

  • Thứ nhất muốn tự tin các bạn có thể tập diễn và nói trước gương, các bạn lưu ý tập trung vào khả năng diễn xuất của ngôn ngữ cơ thể là chính, hoặc có thể nói trước mặt bạn bè người thân để mọi người góp ý cho bạn những cái tốt và không tốt.
  • Thứ hai các bạn quay video bài diễn đó tự xem lại và nhờ bạn bè nhận xét từ đó rút kinh nghiệm.
  • Thứ ba bạn hãy chịu khó cởi mở, chủ động làm quen, tham gia các hoạt động tập thể nhiều để tập khả năng phản xạ trong các tình huống trước đám đông.

3/ GIỌNG NÓI VÀ NGÔN NGỮ CƠ THỂ LINH HOẠT BIỂU CẢM
Một sai lầm chủ yếu trong thuyết trình đó là chúng ta quá tập trung vào nội dung bài viết mà quên mất một kỹ năng quan trọng khi thể hiện trước đám đông đó là kỹ năng diễn xuất. Bạn hãy cười thật tươi, nhấn nhá giọng nói, biểu cảm cơ mặt, di chuyển đều hai bên cánh gà, trên và dưới sân khấu. Sẽ không ai thích nghe một bức tượng biết nói nhưng cơ thể cứng đơ trên sân khấu.
Nhiều người cho rằng, nội dung bài phát biểu mới là quan trọng; nhưng nét mặt của bạn cũng góp phần gây thu hút cho người nghe không kém. Nếu bạn trình bày một vấn đề hài hước mà gương mặt bạn mang vẻ buồn bã, hoặc bạn mời gọi khách hàng sử dụng sản phẩm của công ty với nét mặt nghiêm trọng thì bạn khó mà đạt được mục đích đã đề ra.
Nhất thanh nhì sắc khi đọc bài thuyết trình cần lưu ý giọng phải có điểm nhấn trầm bổng có nhịp điệu (như một bài hát bạn sẽ thấy mở đầu nhẹ nhàng đến điệp khúc cao trào và kết thúc sâu lắng), đừng đọc đều đều một giọng sẽ ru ngủ khán giả đó. Cơ thể đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến giọng nói, ví dụ khi bạn buồn giọng sẽ buồn, ngược lại bên trong mình vui giọng sẽ vui, vì vậy khi đến những đoạn cần buồn thì bạn hãy trùng cơ thể xuống.
4/ GIAO LƯU VỚI KHÁN GIẢ
Kỹ năng này giúp bạn thoải mái không bị bí từ và phụ thuộc quá nhiều vào giấy. Hãy đặt thật nhiều câu hỏi mở để khán giả tự nói chuyện với bạn và cuối cùng bạn là người chốt lại vấn đề. Hãy cho khán giả thấy bạn có vẻ dễ thương hơn và gần gũi hơn. Thuyết trình không phải là một mình bạn nói, hãy hỏi khán giả để cùng thảo luận và tìm ra câu trả lời, khán giả được tương tác sẽ hào hứng vào bị hút vào bài nói chuyện của bạn.

5/ TRÌNH BÀY KHOA HỌC
Để một bài thuyết trình thành công thì cách trình bày bài thuyết trình rất quan trọng> Vì vậy cần được chia ra làm các phần nhỏ như: đặt vấn đề, nội dung chính và cuối cùng là kết luận. Bạn không thể bắt đầu bài thuyết trình bằng cách giải thích và đưa ra hàng loạt các dẫn chứng, các số liệu mà quên giới thiệu chủ đề khiến người nghe không hiểu được là bạn đang nói về vấn đề gì; cũng không thể trình bày rất nhiều mà không kết luận để chốt lại vấn đề. Trong một bài thuyết trình nếu có nhiều nội dung cần đề cập, bạn cũng nên chia nhỏ chúng ra và trình bày hoàn tất từng nội dung. Tránh tình trạng đang nói vấn đề này lại chuyển sang vấn đề khác khiến bài thuyết trình lan man, không tập trung và gây rối rắm cho người nghe.
Chất lượng bài thuyết trình của bạn phụ thuộc rất nhiều vào công sức chuẩn bị trước đó. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ khiến cho thuyết trình trở thành một công việc mang tính chủ động. Trong đó, việc xác định mục tiêu thuyết trình phải là công việc quan trọng đầu tiên.
– Xác định mục tiêu của bài thuyết trình.
Trong cuộc sống nói chung và kinh doanh nói riêng, chúng ta không thể làm được việc gì khả quan nếu như không có một mục tiêu cụ thể. Thuyết trình cũng vậy. Nếu muốn thành công, bạn phải xác định mục tiêu cụ thể để nội dung bài thuyết trình của bạn sẽ luôn đi đúng hướng, tránh bị lan man, rời rạc, thiếu sức thuyết phục.
– Chuẩn bị nội dung cho bài thuyết trình
Để có thể thuyết trình một cách thành công và lưu lại được ấn tượng nơi người nghe về bản thân bạn hoặc về tổ chức, doanh nghiệp của bạn, bạn cần rất nhiều thời gian và công sức cho việc chuẩn bị. Đừng bao giờ đợi cho đến khi mình đứng trước thính giả rồi mới chịu nghĩ xem mình sẽ nói gì! Kiểu nói “ngẫu hứng” như vậy sẽ không giúp bạn có một bài nói chuyện hay được – trừ phi bạn thực sự là một thiên tài.
Một bài thuyết trình phong phú hay nghèo nàn, thú vị hay nhàm chán, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của phần chuẩn bị của bạn. Có thể lâu nay phần đông chúng ta bị “tra tấn” bởi những bài thuyết trình hết sức tệ hại nhàm chán, phần lớn đều là do người thuyết trình đã không bỏ công sức ra chuẩn bị trước đó và thiếu kỹ năng.
 
6/ KẾT THÚC ẤN TƯỢNG
Kết thúc bài thuyết trình của mình một cách ấn tượng và chắc chắn. Đừng để buổi thuyết trình của bạn giảm nhiệt dần hoặc kết thúc khi khán giả đang tỏ ra buồn chán. Hãy đưa ra kết luận chắc chắn và tiếp tục gắn kết với khán giả trong khi nhấn mạnh những điểm quan trọng nhất trong bài thuyết trình.
Áp dụng những cách trên đây sẽ giúp bạn có được một phần trình bày ấn tượng và truyền đạt được tốt hơn đến người nghe. Chắc chắn sẽ còn rất nhiều cách để bạn có thể cải thiện kỹ năng thuyết trình của mình, do đó hãy cố gắng dành thời gian luyện tập để có thể đạt được mức độ như bạn mong muốn.
S.T Bảo Ngọc