NHỮNG CÁCH DÙNG INTERNET CÓ THỂ HẠI BẠN

Mạng xã hội và diễn đàn ra đời để người ta có thể thoải mái chia sẻ những điều mình thích. Đối với những nhà kinh doanh, mạng xã hội là công cụ thuận tiện để thúc đẩy sự nghiệp của họ lên tầm cao mới.  Nhưng có những người lạm dụng điều này hơi nhiều và dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Bạn có đang sử dụng mạng xã hội theo cách có thể gây phiền phức cho bản thân không?

Đừng để bản thân mình hối hận khi nhìn lại những status cũ cách đây vài năm và thốt lên rằng: “Sao hồi đấy lại có đứa thiếu suy nghĩ đến thế!”.

Trước khi đưa ra bất kì hành động nào trên mạng xã hội, hãy cân nhắc những tác hại này, bằng không, bạn sẽ tự hủy hoại sự nghiệp của mình chỉ vì… Internet.

Chia sẻ nội dung “mù quáng”
chia-se-thpng-tin-mu-quang
Hãy cẩn thận khi chia sẻ nội dung của người khác bởi có rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng được đăng tràn lan trên các mạng xã hội. Nếu nhấn nút “chia sẻ” nhưng chưa đọc kỹ nội dung hoặc thông tin không có nguồn gốc rõ ràng, có thể vô tình bạn đang “phát tán” những điều trái ngược với quan điểm của bản thân hoặc ngược lại với các chuẩn mực đạo đức, có thể gây ảnh hưởng đến người khác và cho cả chính bạn.
Nếu đồng nghiệp hoặc đối tác là người nhận được thì họ sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm về bạn và chắc rằng chẳng ai muốn làm việc hoặc hợp tác với người thiếu trách nhiệm như thế cả.

Hằn học với đồng nghiệp cũ trên Facebook

Những lời bạn thốt ra trên mạng có thể là tiêu điểm soi mói của các nhà tuyển dụng. Dù bạn có kỹ tính thế nào, sẽ có lúc bạn vô tình làm lộ ra sơ hở của mình cho toàn xã hội thấy. Nói xấu đồng nghiệp cũ hoặc người đang làm chung dự án với mình là điều tồi tệ nhất. Không chỉ làm tổn thương những người xung quanh, bạn còn làm họ cảm thấy sợ phải trở thành nạn nhân tiếp theo. Càng nói hăng, người ta lại càng đánh giá phẩm giá của bạn là “không ra gì”.

Hậu quả nhãn tiền nhất là bạn sẽ bị đồng nghiệp cùng nhau tẩy chay, khiến bạn khó lòng mà làm tốt việc. Còn nhảy việc ư? 44% các chuyên viên nhân sự và các sếp sẽ bỏ qua hồ sơ của bạn nếu thấy những status vô duyên này!

Quá năng động trên mạng xã hội trong giờ làm việc

Không quan trọng bạn có kết bạn với sếp hay không, nhưng nếu bạn quá tích cực trên mạng xã hội trong giờ làm việc, khả năng cao là bạn sẽ bị “đưa vào tầm ngắm”. Cho dù bạn làm tốt việc, nhưng chuyện bị đuổi là khả năng rất lớn chứ không phải nói chơi. Không ai muốn trả tiền để nhìn thấy nhân viên của mình trở thành nhân viên của Facebook.

Muốn tránh bị “đưa vào tầm ngắm”? Không thể, cho dù bạn không kết bạn với đồng nghiệp – những tương tác của bạn trên các Fanpage công cộng vẫn có thể bị theo dõi.

Đề cập đến ý định tìm việc mới khi đang đi làm

Nếu bạn đã xin nghỉ việc thì hãy thoải mái “quảng cáo” bản thân trên trang cá nhân, tuy nhiên, nếu sếp không hề biết bạn có ý định tìm một công việc mới, hãy cẩn thận. Dù bạn không kết nối trực tiếp với sếp nhưng tin tức “nóng hổi” này của bạn sẽ được chuyển đến tay sếp ngay tức thì. Lúc đó, ý định của bạn sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực mà thôi.

Nếu bạn không muốn bị “lộ tẩy”, tốt hơn hết bạn đừng nói với ai về ý định tìm việc của mình, càng không nên chia sẻ trên mạng xã hội bởi bạn không biết được người bạn chia sẻ có giữ bí mật tuyệt đối hay không.

Biến Facebook của mình thành một cuốn tiểu thuyết ngôn tình

Đừng nghĩ là bạn không nói xấu người khác trên Facebook là đủ! Hãy phân biệt giữa cuộc sống cá nhân, cuộc sống xã hội và công việc với nhau. Nếu muốn người khác không biết gì về mình, đừng kết bạn với sếp, đồng nghiệp. Hãy chỉ kết bạn với những người thân trên Facebook mà bạn chia sẻ chuyện cá nhân được. Có một số người bán hàng lợi dụng được chuyện tạo “drama” để bán hàng tốt hơn. Nhưng bạn nhìn lại chưa, ngoài khách hàng thì bạn còn bao nhiêu kẻ thù nữa?

Dù bạn có thất tình thì cũng đừng sướt mướt trên Facebook cá nhân, không ai có nhu cầu đọc cả! Nó chỉ làm người ta nhìn bạn ngày càng sến sẩm, đặc biệt là với đàn ông – không một sếp nào lại thích một người nhân viên nam quá sến súa!

Không chịu dọn dẹp cổ mộ quá khứ
Quá khứ của bạn có thể có nhiều điểm không đẹp đẽ gì, và bạn đã vô tình post nó lên Facebook. Hãy lục lại và xóa chúng ngay! Đừng để những câu chửi tục, những comment không hay bị người ta lục lại. Dường như Facebook cũng rất khoái trá những trò đào mộ này, khi chỉ 1-2 comment mới là toàn bộ nội dung cũ của bạn có thể bị đào lên.
Chuyện này đặc biệt tai hại khi bạn đang nói dối về một vấn đề gì đó trong quá khứ – và người ta vô tình tìm ra sự thật ngược lại trên Facebook. Các công ty nước ngoài cực kỳ coi trọng chuyện này, vì vậy, đừng lười, hãy dọn dẹp rác cũ trước khi năm mới đến!
Phàn nàn về công việc và sếp
Đưa ra những lời phàn nàn cho cả “thế giới” nhìn thấy không bao giờ là điều nên làm, đặc biệt là khi bạn có điều bức xúc về công việc hoặc sếp. Ngay cả khi không kết bạn với sếp và bạn nghĩ sếp sẽ chẳng bao giờ đọc được những bài đăng này, thì đồng nghiệp của bạn có thể chuyển đến sếp với tốc độ “vũ bão”. Chắc chắn sau đó bạn sẽ trở thành “ngôi sao” phiền hà của cả công ty hay là đối tượng để mọi người bàn tán, soi mói.
Thậm chí, nếu lời phàn nàn đó không ảnh hưởng đến công việc hiện tại của bạn thì nó cũng sẽ ám ảnh bạn ngay sau đó thôi. Nhà tuyển dụng tiềm năng có thể đã nhìn thấy và không ai muốn thuê người “nói xấu” nơi mình từng gắn bó cả.
Vì vậy, cách tốt nhất để tránh xa rắc rối là không chia sẻ bất kỳ thông tin tiêu cực nào về công ty hoặc sếp dù bạn có khó chịu đến đâu.

“Đá xéo” khách hàng

So với việc phàn nàn về sếp thì việc “đăng đàn” chế giễu khách hàng cũng mang lại hậu quả nặng nề không kém. Điển hình là có nhiều nhân viên phục vụ đã “lén” chụp hình hoặc đưa ra những nhận xét khiếm nhã về khách hàng lên mạng xã hội đã bị buộc thôi việc. Bởi không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà việc “tỏ thái độ” với khách hàng trực tuyến thế này còn tạo nên một hình ảnh xấu về công ty dẫn đến việc kinh doanh bị trì trệ.

Chắc rằng không có nhà tuyển dụng nào chịu được sai lầm nghiêm trọng này của nhân viên dù với bất cứ lí do gì, vậy nên bạn hãy tránh đăng những thông tin thể hiện sự thiếu tôn trọng khách hàng (hoặc bất cứ người nào khác) như thế nhé!

“Teen code” và thiếu lễ phép

Bạn có thể là một nhân viên xuất sắc, nhưng khi giao tiếp bằng mạng xã hội, bạn viết sai chính tả quá nhiều – bạn vẫn có thể bị người khác cho “lên dĩa” vì chút sơ sót nhỏ đó. Lỗi lầm này trông như có vẻ nhỏ nhặt, nhưng các chuyên viên nhân sự nước ngoài vẫn sẽ không bỏ qua vì đó là sự chuyên nghiệp trong tính cách. Thiếu lễ phép lại là một vấn đề khác. Nhiều bạn quá khô cứng hoặc… lười nên giao tiếp trên mạng xã hội khá thô thiển. Nếu chat với sếp nào đó, bạn sẽ dễ dàng bị đưa vào danh sách đen “nhân viên không chịu tiến bộ”. Đó là một hậu quả lớn!

Làm lộ bí mật của công ty
lam-lo-bi-mat-cong-ty
Vô tình chia sẻ bí mật hoặc thông tin nhạy cảm của công ty lên mạng xã hội có thể dễ dàng gặp phải hơn bạn tưởng tượng đấy. Chẳng hạn, bạn thương thảo thất bại với một đối tác lớn và đăng sự thất vọng tràn về của mình lên mạng xã hội, tuy nhiên sếp lại muốn giữ bí mật kết quả này. Thế đấy, không cần phải đăng lên mạng cả bảng báo cáo tài chính hay hợp đồng mua bán, mà đôi khi chỉ thể hiện cảm xúc hay cách nhìn cá nhân về công việc cũng có thể tiết lộ nhiều thông tin kinh doanh quan trọng.
Không có một quy tắc rõ ràng nào về cách sử dụng mạng xã hội nhưng là một nhân viên thông minh và tinh tế, bạn nên tự ý thức những điều cần tránh để không ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân và sự nghiệp của mình nhé!
S.T Bảo Ngọc