Xây dựng văn hóa doanh nghiệp – "Đòn bẩy" để phát triển

Văn hóa doanh nghiệp là một loại tài sản vô hình đóng vai trò quan trọng trong quá trình định hình tầm nhìn, sứ mệnh và xây dựng thương hiệu của mỗi doanh nghiệp. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tăng thêm uy tín sức cạnh tranh trên thị trường.

NHIỀU CÁCH XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Văn hóa doanh nghiệp có vị trí và vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Để hình thành một nền văn hóa mạnh và có bản sắc riêng, tùy vào mô hình hoạt động mà mỗi doanh nghiệp có cách xây dựng văn hóa khác nhau, buộc mọi người khi vào làm việc cho đơn vị phải tuân theo. Ông Văn Kim Bường, Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Phú Yên cho biết: “Ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, tập đoàn Mai Linh nói chung và Mai Linh Phú Yên nói riêng đã chú trọng đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trước khi chính thức làm việc tại Mai Linh, mỗi nhân viên đều phải tham gia một chương trình huấn luyện. Bên cạnh các nội dung bắt buộc, nhân viên sẽ được đào tạo các kỹ năng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Chúng tôi xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên nền tảng truyền thống đạo lý của người Việt Nam nên rất gần gũi, thân thuộc và dễ dàng tiếp nhận”.

Theo Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên Đinh Phú Khánh, văn hóa doanh nghiệp là những đặc trưng cơ bản, những chuẩn mực hành vi chung nhất mà cán bộ công nhân viên doanh nghiệp cùng chia sẻ, chấp nhận, đề cao và ứng xử theo. Nó được gầy dựng nên trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của một doanh nghiệp; thể hiện bản sắc riêng và là tài sản vô hình đem lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Đối với Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank), đơn vị liên tục tổ chức những lớp tập huấn, chia sẻ cho nhân viên toàn hệ thống thông qua hình thức trao đổi, thảo luận, hình thành nhận thức về những giá trị cốt lõi của ngân hàng, hướng đến tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. “Sau khi tham dự những lớp tập huấn này, nhân viên DongA Bank Phú Yên cảm thấy thoải mái, hòa đồng, tự tin trong môi trường làm việc của doanh nghiệp, hiệu suất làm việc tăng lên rõ rệt”, ông Vũ Văn Thiết, Phó giám đốc DongA Bank Phú Yên chia sẻ.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch đang hình thành văn hóa doanh nghiệp hướng về chiều sâu. Thông qua các hoạt động do Đoàn Thanh niên, Công đoàn công ty tổ chức như phong trào “Tìm hiểu giá trị cốt lõi”, các chương trình xây dựng nhóm (team-building), huấn luyện văn hóa doanh nghiệp nâng cao…, nhờ vậy mà công ty đảm bảo được hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực cho cán bộ công nhân viên. Đây cũng chính là cơ sở để xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên.

“CÚ HÍCH” TRONG MÔI TRƯỜNG CẠNH TRANH

Một doanh nghiệp có nền văn hóa vững mạnh sẽ đạt đến sự chuẩn hóa trong thương hiệu, củng cố niềm tin đối với khách hàng, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí khi hoạt động. Chính những tài sản vô hình này là “cú hích” để doanh nghiệp phát triển. Ông Vũ Văn Thiết cho biết: “Tuy chi phí để xây dựng văn hóa doanh nghiệp khá cao, nhưng đơn vị vẫn quyết định đầu tư vì nó đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Khi sức ép cạnh tranh ngày càng quyết liệt, ngân hàng cần định hình và củng cố văn hóa doanh nghiệp để khẳng định thương hiệu, tránh tụt hậu so với các đối thủ”. Còn ông Văn Kim Bường thì khẳng định: Để phát triển bền vững, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là điều tất yếu. Những bài học về lịch sử, văn hóa và quy tắc ứng xử của Mai Linh được ban lãnh đạo bổ sung và hoàn thiện hàng năm. Khi tất cả nhân viên đã thống nhất, đồng lòng về hành vi ứng xử với đồng nghiệp, với khách hàng, nội dung các bài giảng sẽ được mở rộng và cụ thể hơn. Chúng tôi luôn có ý thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp để khẳng định thương hiệu, mở rộng địa bàn hoạt động trong nước và quốc tế.

Ông Đinh Phú Khánh, Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên kiêm Trưởng phòng Hành chính – Nhân sự Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch cho biết: Mỗi doanh nghiệp cần một thời gian rất dài để xây dựng, định hình và củng cố văn hóa của đơn vị mình. Bước đầu, công ty chỉ mới soạn thảo quy chế văn hóa doanh nghiệp để xây dựng nền tảng. Giai đoạn hai, chúng tôi sẽ đưa vào thực hiện. Trải qua quá trình đánh giá kết quả, sửa chữa bổ sung, công ty ban hành quy chế văn hóa doanh nghiệp chính thức. Đây là cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động của nhân viên, là “đòn bẩy” để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ vẫn có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo cách riêng nếu có định hướng phù hợp.

Sưu tầm: https://www.kynang.edu.vn

Các bài liên quan:

Văn hóa doanh nghiệp – Đất lành chim đậu”

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp với 4 bước

Làm sao xây dựng một văn hóa doanh nghiệp có giá trị?