Văn hóa doanh nghiệp – Nhân tố quyết định

Hiện nay, khó khăn kinh tế không chỉ khiến doanh nghiệp cắt giảm chi phí, nhân công, mà còn trì hoãn cả những hoạt động liên quan đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

nhan to

Nhân tố quyết định (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Hiện nay, khó khăn kinh tế không chỉ khiến doanh nghiệp cắt giảm chi phí, nhân công, mà còn trì hoãn cả những hoạt động liên quan đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Khi Doanh nghiệp buộc phải thay đổi để thích ứng với môi trường bên ngoài: kinh tế, chính trị, xã hội, công nghệ…, cần xuất hiện tư tưởng và thể chế tiến bộ phù hợp với yêu cầu đổi mới. Đây là điều kiện tiên quyết cho xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, hướng vào bền vững. Đó là nhận định của các chuyên gia và doanh nhân tại tọa đàm “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả trong bối cảnh Việt Nam” do Viện Quản trị và Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Báo Doanh Nhân Sài tổ chức ngày 26/11/2011.

Ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hội Marketing Việt Nam, khẳng định: “Xây dựng được văn hóa doanh nghiệp hiện nay là hoạt động quan trọng trong quản trị doanh nghiệp. Bởi vì, trong doanh nghiệp, nếu mọi người có cùng quan điểm về văn hóa thì khi xảy ra mâu thuẫn sẽ dễ dàng giải quyết hơn”. Mặt khác, lãnh đạo của doanh nghiệp nhận thức ra sự cần thiết phải thay đổi văn hóa tổ chức để phù hợp với thay đổi của môi trường bên ngoài, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh cũng như hợp tác quốc tế diễn ra mạnh mẽ.

Theo ông Lê Phụng Hào, văn hóa doanh nghiệp được cấu thành bởi các giá trị và quan niệm; nguyên tắc đạo đức và các nghi thức; cách tổ chức và kiểm soát công việc; cách quản lý và ra quyết định; giao tiếp và truyền thông; trang phục và cách ứng xử.
Văn hóa doanh nghiệp thể hiện ở ba cấp độ. Nhìn bề ngoài, đó là cách bố trí nơi làm việc, cách trình bày tài liệu giao dịch, trang phục hay ăn mặc của nhân viên, khẩu hiệu, logo, các bài ca, giai điệu truyền thống và cả nếp hành xử hằng ngày của nhân viên trong mỗi tình huống. Sâu hơn, văn hóa doanh nghiệp thể hiện ở những truyền thuyết và giai thoại về những năm tháng gian khổ và hào hùng đã qua của công ty, về người sáng lập, về các thế hệ hạt nhân lãnh đạo, cũng như các tập quán, tập tục và nghi thức mà mọi nhân viên chia sẻ.

Ngoài ra, đó là cách thức tổ chức và kiểm soát, cách quản lý và ra quyết định, cách giải quyết mâu thuẫn. Nhưng quan trọng nhất của văn hóa là hệ thống giá trị cốt lõi đã tạo nên thành công, triết lý kinh doanh, ước mong, hoài bão và sứ mệnh của người sáng lập doanh nghiệp.

Trên thực tế, văn hóa doanh nghiệp thường có tính kế thừa và tạo thành nếp, do đó rất khó thay đổi. Tuy nhiên, khi văn hóa doanh nghiệp không còn phù hợp với hoài bão, sứ mệnh, chiến lược và mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp thì buộc phải thay đổi cho phù hợp.

Ở Việt Nam, những người sáng lập và chủ doanh nghiệp thường là người hình thành và thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp, các trưởng bộ phận, nhân viên chủ chốt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành và gìn giữ văn hóa doanh nghiệp.

Nhưng đầy thách thức

Có một thực tế là hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam chưa chú ý nhiều đến việc xây dựng văn hóa. Nhiều công ty cũng muốn xây dựng văn hóa với những đặc thù riêng nhưng không biết phải làm thế nào.

Ông Lê Phụng Hào cho rằng, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có văn hóa doanh nghiệp nhưng đa phần do tự phát mà thành. Số doanh nghiệp chủ động định hướng mục tiêu cho xây dựng văn hóa cũng có nhưng không nhiều. Và những doanh nghiệp này bao giờ cũng thành công.

Dù là tự phát hay chủ động xây dựng thì các doanh nghiệp cũng nên chú ý đến việc đến việc thay đổi cho phù hợp với môi trường chung. “doanh nghiệp dù phát triển mấy nhưng nếu không thay đổi phù hợp với xã hội, môi trường… thì cũng sẽ không tạo được sự đột phá và như vậy cũng sẽ khó thành công”, ông Hào khẳng định.

Một điều thách thức nữa đối với doanh nghiệp trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là yếu tố cá nhân. Ở Việt Nam, đa phần doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty gia đình nên văn hóa của doanh nghiệp cũng mang tính chất văn hóa gia đình. Dù công ty có thay đổi hình thức hoạt động, có chuyển đổi thành công ty cổ phần thì văn hóa doanh nghiệp cũng ảnh hưởng từ người chủ doanh nghiệp.

“Cái bóng của chủ doanh nghiệp in đậm trong công ty nên khi thay đổi, hoặc chuyển giao quyền lực cho những thế hệ kế thừa thì cũng rất khó thay đổi được văn hóa doanh nghiệp của các công ty gia đình”, ông Hào nói. Một thực tế khó khăn nữa trong việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp là môi trường thực tế. Trước năm 2008, kinh tế phát triển mạnh mẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng tốt. Trong điều kiện này, hầu hết doanh nghiệp đều bung ra đầu tư, mở rộng thị phần để tăng lợi nhuận và họ cũng chi tiêu rộng rãi hơn. Thế nhưng, khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp siết lại mọi hoạt động nên cách ứng xử cũng thay đổi. Đây là một điều khó khăn cho không ít doanh nghiệp vì họ phải thay đổi trong điều kiện không mong muốn.

Một thực tế khác mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải là tình trạng biến động nhân sự khiến họ khó giữ được những nét đặc trưng của công ty. Đại diện một công ty trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng cho biết: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là điều không hề dễ chút nào. Nhân sự thay đổi liên tục, cứ vài ba năm thì nhân viên công ty toàn người mới nên việc giữ những nếp cũ, việc truyền lửa cho nhân viên là điều hết sức khó khăn. Vì vậy, từ nhiều năm nay, công ty cứ để văn hóa doanh nghiệp phát triển một cách tự phát theo kiểu: Thấy điều gì tốt thì làm thôi”.

Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Giám đốc Điều hành Global Elite Consulting Corporation, cho rằng, lãnh đạo và hội đồng quản trị chính là nhân tốt quyết định đến văn hóa của doanh nghiệp đó.

Sự khác nhau giữa văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam và nước ngoài là nói và làm. “Nếu không nói và làm thì văn hóa cũng chỉ là điều nói cho vui mà thôi”, ông Nhất khẳng định.

Các chuyên gia đều công nhận rằng, văn hóa là một yếu tố giúp quản lý nhưng để có văn hóa thì doanh nghiệp phải xây dựng từng bước. Đây là một quá trình xây dựng và để mọi người thấm nhuần văn hóa của công ty thì cần phải có thời gian và cả những quy chế thực hiện. TS. Phan Triều Anh, Phó khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Quốc Tế (ĐHQG TP.HCM), cho rằng, văn hóa có tác động rất lớn đến việc quản lý của doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, người ta thường đề cao tập thể và chấp nhận cách biệt về quyền lực, chấp nhận sự thiếu minh bạch, mơ hồ, ứng xử linh hoạt… nên doanh nghiệp phải biết, phải hiểu rõ những điều này để ứng dụng tốt vào việc xây dựng văn hóa. 

 

Sưu tầm: https://www.kynang.edu.vn

Doanh nghiệp và ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp

Tại sao phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp?

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên thực tế