TRÁNH NÉ HAY ĐỐI MẶT VỚI CƠN GIẬN CỦA SẾP

Bạn còn nhớ chúng ta đã từng nói với nhau rất nhiều điều về những nỗi sợ thường thấy nơi công sở & không thể không nhắc đến ‘ám ảnh’ thường trực mang tên sếp dù lắm khi điều này chỉ vì tác động tâm lý chứ không hẳn vì sếp trông quá hắc ám. Thế nhưng đôi khi “sếp cũng muốn lương thiện nhưng ai cho sếp lương thiện” khi một ngày vì nhiều sai sót được báo cáo đến tai mà sếp bỗng nổi giận thật sự thì lúc đấy chẳng còn là tác động tâm lý nữa, rất nhiều người ‘toát hết mồ hôi’ và ngay lập tức nghĩ xem phải làm gì đây, #tránh_né hay dừng lại #đối_mặt với cơn giận từ sếp?
Bình tĩnh nào! Có một sự thật là nếu chúng ta càng né tránh trong tình huống này thì sẽ chẳng khác gì càng như châm dầu vào lửa. Không ai có thể luôn luôn làm điều đúng và chuyện đôi khi phạm sai lầm dù nghiêm trọng hay không là điều luôn có thể xảy đến. Và khi sếp nổi giận vì những sai sót do bạn tạo ra, hãy thử xem qua một vài cách xoa dịu tình thế sau thay vì vội nghĩ đến việc tháo chạy nhé.
1/ ĐỔ LỖI? QUÊN NGAY VIỆC NÀY ĐI! 
Phản ứng tự nhiên của rất nhiều người khi xảy ra việc là ngay lập tức tìm cách giải thích nguyên nhân với những lý do bắt đầu với “Tại”, “Bởi”, “Vì”, …Thế nhưng theo Wendi Weiner – Chuyên gia hướng dẫn việc chuyển đổi sự nghiệp – thì việc đổ lỗi cho một lý do nào đó dù khách quan hay chủ quan chỉ càng khiến sếp của bạn thêm bùng cơn lửa giận và khó chấp nhận rằng tại sao mọi thứ lại đi chệch quỹ đạo như thế.
Càng tìm cách thanh minh rằng bạn không hề làm điều gì ảnh hưởng trong tình huống này càng chỉ làm bạn trông thật buồn cười và trở nên thiếu hợp tác bởi lẽ vì sao bạn là một phần của dự án mà cuối cùng lại chẳng liên quan gì đến những sai lầm vừa xảy ra. Vậy nên thái đô tích cực nhất chính là hãy quên ngay đi việc đổ lỗi cho ai hoặc điều gì để nhận phần trách nhiệm mà bạn là một phần trong dự án đã gây ra. Chấp nhận chính là điều đầu tiên giúp mọi người cùng bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề một cách thông suốt.
2/ RÀ SOÁT LẠI NGUỒN CƠN CỦA VẤN ĐỀ
Hãy trao đổi thẳng thắn với sếp việc tất cả mọi người cần rà soát lại từng nguồn cơn có thể là nguyên nhân gây ra vấn đề không mong muốn này. Khi tìm ra đầu mối của sự việc, hãy nhìn nhận mọi việc với một quan điểm cảm thông và chủ động hỗ trợ giải quyết những hậu quả, tuyệt nhiên đừng trở nên gay gắt với đồng nghiệp đã trót có sai sót trong quá trình làm việc hoặc ngay lập tức đẩy quả bóng ‘trách nhiệm’ về phía người đã gây ra.
Có ba điều cần tuyệt đối tránh lúc này mà bạn cần ghi nhớ – Không để cảm xúc cá nhân chen vào công việc chung; Không đóng vai nạn nhân (dù có thể bạn vô tình bị ảnh hưởng thật!) – Không phê bình người khác một cách vô tội vạ.
3/ TỰ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ĐỂ CẢI THIỆN SỰ VIỆC
Không gì có thể xoa dịu tình huống căng thẳng này bằng việc bạn chủ động đề xuất giải pháp khắc phục hậu quả của những sai sót, hoặc chí ít là chủ động nêu ra quan điểm mong muốn được góp phần hỗ trợ cải thiện mọi thứ một cách tích cực nhất. Điều này không phải để bạn chứng tỏ bản thân với sếp hoặc lợi dụng tình huống để gây ấn tượng mà nó cần thiết để bạn thể hiện sự chuyên nghiệp của mình trong mọi hoàn cảnh, dù tốt dù xấu!
Với tất cả những người đứng ở vị trí quản lý như sếp thì cuối cùng đều luôn phải đứng mũi chịu sào cho tất cả những phát sinh trong công việc, vì vậy chủ động đưa ra những giải pháp riêng là cách tốt nhất giúp sếp nhanh “giảm nhiệt” trong phòng họp khi mọi thứ đang thật “dầu sôi lửa bỏng”. Thậm chí, hãy chuẩn bị tâm lý là mọi thứ bạn đề đạt có thể bị gạt đi ngay tức khắc, chí ít hãy vẫn cứ thể hiện sự chân thành bằng việc đề xuất có thêm một ít thời gian để cân nhắc và đưa ra những giải pháp khác tốt hơn.
4/ ĐẶT RA NHỮNG GẠCH ĐẦU DÒNG ĐỂ TRÁNH LẶP LẠI SAI SÓT
Khi giận dữ, sếp có thể đưa ra hàng loạt những giả thiết về khả năng sai sót có thể bị lặp lại trong tương lai. Cũng dễ hiểu thôi bởi điều này khiến người quản lý cảm thấy tình huống sắp tới liệu có được kiểm soát tốt không hay sếp đã không còn muốn tin vào bạn nữa.
Hãy lường trước những câu hỏi sẽ được sếp đặt ra và phản hồi với những gạch đầu dòng về các cách thức giúp cải thiện quy trình làm việc nhằm tránh lặp lại những sai sót. Những gạch đầu dòng này trước hết nên là những ghi nhận từ trải nghiệm của bản thân bạn trong sự việc vừa qua, thứ hai là từ những trao đổi với những người có liên quan và sau cùng là đăng kỹ theo dõi những trang tư vấn nghề nghiệp để học hỏi thêm các bí quyết xử lý khủng hoảng bởi đâu đó đã có những người đi qua vết xe đổ này và sẻ chia lại cùng bạn những kinh nghiệm quý báu.
Sếp nổi cơn giận quả thật sẽ đem lại một cảm giác không mấy dễ chịu và làm bạn căng thẳng thật sự khi bước vào phòng họp. Nhưng dù sao, điều này cũng chỉ là một phần trong công việc hàng ngày và đều có thể xảy ra với bất kỳ ai nên học cách đối mặt và bước qua giông bão không mong muốn sẽ giúp bạn trui rèn bản lĩnh tốt hơn trong sự nghiệp của mình. Vậy thì bạn đã có câu trả lời cho riêng mình chưa khi có ai đó hỏi lại rằng liệu bạn có nên chạy ngay khi mỗi khi sếp phát cáu?
S.T Bảo Ngọc