KỸ NĂNG THUYẾT TRÌNH: CÁCH MỞ ĐẦU SAO CHO ẤN TƯỢNG

Trong giao tiếp, ấn tượng ban đầu là hết sức quan trọng. Cũng tương tự như vậy, phần mở đầu bài thuyết trình là phần dễ gây ấn tượng cho người nghe nhiều nhất.
Nếu phần mở đầu bài thuyết trình gây được những tác động tâm lí tích cực thì đó là điều kiện thuận lợi cho sự thành công chung của cả bài thuyết trình và ngược lại.
Có nhiều cách khác nhau để mở đầu bài thuyết trình và người nói có thể chọn cho mình một cách phù hợp nhất.
1/ Mở đầu trực tiếp
Đây là cách mở đầu khá phổ biến và thường được sử dụng. Mở đầu trực tiếp tức là người nói sẽ đi thẳng vào vấn đề muốn đề cập. Điều này sẽ có tác dụng rút ngắn thời gian và giúp cho người nghe nhận biết ngay nội dung chính của bài thuyết trình để có sự tập trung cần thiết. Cách mở đầu này phù hợp trong những buổi thuyết trình mang tính nghiêm túc và liên quan đến công việc. 
2/ Mở đầu bằng cách kể chuyện
Người thuyết trình có thể kể một câu chuyện có thật hoặc câu chuyện hư cấu để dẫn dắt người nghe vào chủ đề chính của buổi thuyết trình. Với cách mở đầu này, người thuyết trình sẽ dẫn dắt người nghe một cách tự nhiên và khơi gợi sự chú ý của họ vào nội dung mà mình sắp trình bày.
Ví dụ để bắt đầu thuyết trình về chủ đề chủ đề bạo lực học đường, người thuyết trình có thể kể lại một câu chuyện mới nhất về một vụ án mạng giữa học sinh với nhau gây xôn xao dư luận. Hay để nói về chủ đề văn hóa du lịch, người thuyết trình sẽ kể một câu chuyện về một mô hình du lịch nổi tiếng nào đó trên thế giới…
3/ Mở đầu bằng cách đặt câu hỏi
Những câu hỏi phù hợp  và hay sẽ luôn khiến cho người nghe phải động não suy nghĩ. Khi người thuyết trình đặt ra cho người nghe những câu hỏi sẽ khởi tạo tư duy của họ đối với vấn đề liên quan đến nội dung thuyết trình.
4/ Mở đầu bằng những dụng cụ trực quan
Những phương tiện, dụng cụ có liên quan đến chủ đề thuyết trình được người thuyết trình sử dụng làm “cầu nối” cho bài nói chuyện của mình. Dụng cụ càng mới lạ, độc đáo sẽ càng thu hút sự chú ý của người nghe.
Ví dụ khi thuyết trình về kĩ năng làm việc nhóm, người thuyết trình đưa ra một viên kim cương và một cục than đá. Người thuyết trình sẽ hỏi khán giả: giữa viên kim cương và than đá, quý vị thích cái nào hơn? Đa số trong người nghe sẽ trả lời thích viên kim cương hơn. Người thuyết trình sẽ hỏi tiếp: quý vị có biết sự giống và khác nhau giữa kim cương và than đá là gì không? Chúng đều được cấu tạo nên từ những phân tử cacbon nhưng lại khác nhau về kết cấu. Kết cấu hết sức chặt chẽ giữa các phân tử cacbon sẽ tạo nên viên kim cương còn kết cấu lỏng lẻo sẽ tạo nên than đá. Trong một cơ quan, tổ chức cũng vậy. Nếu như các thành viên trong tổ chức đoàn kết, phối hợp ăn ý với nhau thì sẽ tạo nên sức mạnh to lớn, giúp cho tổ chức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao và ngược lại. Trong buổi nói chuyện ngày hôm nay, tôi xin trình bày với quý vị về chủ đề kĩ năng làm việc nhóm.
Ngoài những cách trên, còn có một số cách mở đầu khác như mở đầu bằng cách trích dẫn lời nói của một danh nhân hay người nổi tiếng, mở đầu bằng cách đặt ra câu đố, mở đầu bằng một câu chuyện hài hước…
Tùy vào chủ đề, vào đặc điểm của khán giả và thế mạnh của người thuyết trình để lựa chọn cho mình một cách thức phù hợp. Tuy nhiên, cho dù là mở đầu bằng cách nào thì cũng phải đảm bảo những yêu cầu: không được quá dài dòng, mở đầu không ăn nhập với chủ đề và đặc biệt là không nên mở đầu bằng những câu xin lỗi, thể hiện sự thiếu tự tin của người nói.
S.T Bảo Ngọc